Bạn không biết làm thế nào để giao tiếp thành công? Bạn gặp trở ngại khi không thể truyền đạt toàn bộ thông tin mình muốn đến với người nghe? Vậy thì hãy cùng Nhà Phát thanh học cách dẫn lối người nghe bằng giọng nói và cảm xúc.
Nguồn gốc của giọng nói
Các nhà nhân chủng học đã có một phát hiện rằng, cách đây 120.000 năm việc sử dụng những vỏ sò vốn xuất hiện nhiều tại khu vực Địa Trung Hải để xâu chúng lại thành một thứ đồ trang sức kỳ lạ được tìm thấy. Qua nghiên cứu, những vỏ sò kỳ lạ này thực chất là một dạng “tiền mặt” dùng để trao đổi giữa các bộ tộc tại Châu Phi lúc đó. Lúc này một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để tổ tiên chúng ta có thể giao tiếp với nhau khi mà phải ít nhất 115.000 năm sau những văn tự chữ viết đầu tiên mới ra đời? Câu trả lời được nhiều chuyên gia đồng tình chính là loài người đã hình thành một thứ âm thanh riêng của mình để giao tiếp hay còn được hiểu là tiếng nói của loài người. Là yếu tố tạo nên sự thấu hiểu, giọng nói luôn mang trong mình một giá trị văn hóa, lịch sử nhất định trong từng giai đoạn suốt hàng trăm thế kỷ qua.
Trải qua thời gian dài như vậy, tiếng nói chắc chắn phải có những biến đổi đồng thời vai trò cũng sẽ khác nhau qua từng thời đại, nhưng nhìn chung thì vai trò chính của tiếng nói vẫn là giao tiếp. Từ tiếng nói sẵn có đó, con người sẽ có những tông giọng khác nhau và việc đó sẽ giúp chủ nhân của giọng nói đó phản ánh đầy đủ cảm xúc nội tâm của họ và đồng thời góp phần quan trọng giúp đạt được những mục tiêu trong cuộc sống hàng ngày.
Theo nhà âm ngữ trị liệu và tâm lý học người Pháp Agnes Augé, Không có hai người có giọng nói giống hệt nhau vì “giọng nói giống như dấu vân tay vậy“. Chính vì điều này mà giọng nói càng được quan tâm hơn khi thực hiện giao tiếp bời giọng nói phản ánh đầy đủ cảm xúc nội tâm của mỗi người và cũng là cách giúp ta nhìn nhận lại mối quan hệ.
Mối quan hệ của giọng nói và cảm xúc trong giao tiếp
Để có thể giao tiếp, tổ tiên chúng ta mới hình thành tiếng nói và từ tiếng nói phát triển cao hơn thành giọng nói. Đó là lý do giọng nói giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong giao tiếp. Chúng ta phải hiểu rằng tông giọng khi nói sẽ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của bạn, giúp bạn giao tiếp một cách đầy đủ những thông tin mong muốn được muốn truyền tải đến người nghe. Và một giọng nói hay, cuốn hút không còn là một tiêu chuẩn dành cho những nhà hùng biện, diễn giả hay ca sĩ opera nữa mà giờ đây, nó đã trở thành mong muốn của rất nhiều người. Thậm chí, một giọng nói truyền cảm sẽ giúp mỗi người nhanh chóng mở rộng mối quan hệ, “ăn điểm” trước nhà tuyển dụng, khách hàng, đối tác và tạo nền tảng cho những bước đột phá trong sự nghiệp.
Trong giao tiếp nhất định phải có đó chính là cảm xúc của giọng nói. Khi giận dữ, bạn có xu hướng nói nhanh và to hơn, độ cao của giọng nói được kéo dài. Điều này vô tình cường điệu hóa chính giọng của bạn. Còn khi buồn chán, giọng của bạn sẽ có chút khàn, bạn nói chuyện với âm điệu và cường độ thấp, tốc độ chậm hơn và có thể bị ngắt quãng. Hay khi bạn muốn quyến rũ đối tượng đang nghe thì giọng bạn sẽ nhẹ nhàng và ấm áp hơn, linh hoạt và thân thiện. Còn khi muốn thuyết phục thì bạn cần lựa chọn âm lượng vừa đủ, tốc độ không nên quá nhanh, có sự liên kết trong lời nói.
Qua đó, có thể nói rằng việc điều tiết cảm xúc trong giọng nói không chỉ giúp kiểm soát giọng nói phù hợp với từng hoàn cảnh, mà còn mang lại sự hấp dẫn trong giao tiếp như khi thuyết phục khách hàng, hay gần gũi với sinh viên hơn là thuyết trình trước đám đông.
Dưới đây là một số kỹ thuật đơn giản giúp bạn luyện giọng nói cảm xúc, điều khiển ngôn từ phong phú, thuyết phục hơn trong giao tiếp:
- Phát âm rõ ràng:
Để truyền đạt thông tin một cách liền mạch cho người nghe dễ hiểu,cần phát âm to, tròn vành, rõ chữ. Để luyện phát âm thì rất đơn giản, chỉ cần mỗi ngày bạn đọc vài trang sách, bài báo một cách nhập tâm, hay trong giao tiếp hàng ngày cố gắng phát âm cụ thể câu từ thì khả năng phát âm sẽ được thay đổi rõ rệt. Nếu bạn có một giọng nói yếu và dễ hụt hơi, hãy kiên trì tập một đoạn hội thoại liên tục trong 10 phút mỗi ngày, cùng với đó, hãy thử học thêm các cách lấy hơi bụng để phát âm được dài hơi và đỡ mệt khi phải nói nhiều, nói to.
Ngoài ra, tập phát âm để sửa các lỗi như L-N, S-X, TR-CH… nếu bạn mắc phải do đặc trưng vùng miền, điều này giúp bạn có lợi thế hơn trong các cuộc giao tiếp mang tính chất sang trọng hay trong công việc.
- Hơi thở:
Hơi thở tốt là yếu tố quan trọng nhất để có giọng nói hay và khỏe khoắn. Để có làn hơi dài và ổn định thì cách lấy hơi bụng mang lại hiệu quả cao nhất, giúp cho việc luyện giọng nói tốt nhất.
Các bước tập lấy hơi bụng:
Bước 1: Đứng thẳng hoặc ngồi trên ghế dựng thẳng lưng
Bước 2: Hít thở bằng mũi, rồi từ từ để làn hơi đi thẳng xuống bụng đến khi bụng phình to lên
Bước 3: Giữ nguyên và nén hơi lại từ 8 – 12 giây
Bước 4: Thả hơi nhẹ và từ tốn ra bằng miệng, quá trình này phải được giữ tối thiểu 30 giây và không ngắt quãng luồng hơi.
Để sớm đạt được kết quả, nên luyện tập thường xuyên và đều đặn mỗi ngày 4 đến 5 lần, mỗi lần 10 đến 15 phút.
- Âm lượng và tốc độ nói:
Khi đứng trước đám đông, thuyết trình mà còn ít kinh nghiệm rất dễ bị run, lúng túng dẫn đến nói nhanh, lắp bắp, câu từ không chắc chắn. Khi bạn nói nhanh dẫn đến lượng thông tin truyền đi một cách ồ ạt, người nghe sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, tư duy kịp thời. Ngược lại, nói quá chậm lại khiến thông tin bị rời rạc, khiến người nghe uể oải, không hứng thú với bàn thuyết trình..
Chính vì thế, các bài tập về hơi thở chính là công cụ luyện tập để có âm lượng nói to một cách hoàn hảo nhất. Hơi thở tốt còn giúp cải thiện tâm lý người nói được bình tĩnh và từ tốn xử lý thông tin nói ra được chính xác, mạch lạc và tốc độ nói cũng sẽ nhịp nhàng hơn.
- Nhịp điệu và tiết tấu:
Một giọng nói thu hút, hấp dẫn người nghe khi có sự hài hoà về nhịp điệu, tiết tấu, âm lượng, tốc độ và sự truyền cảm. Cách luyện giọng nói cảm xúc là bạn nên tìm những đoạn văn cảm xúc, những đoạn hội thoại biểu cảm để luyện tập. Bạn có thể kết hợp nghe những bản nhạc nhẹ nhàng như giao hưởng, nhạc hòa tấu. Âm nhạc giúp ta dễ dàng cảm nhận và bộc lộ cảm xúc một cách sâu sắc hơn.
Mỗi ngày, hãy tập thói quen nghe một vài bản podcast hay nghe radio cảm xúc vào cuối tuần để thư giãn.
- Sự truyền cảm:
Giọng nói dù rõ ràng, mạch lạc đến đâu mà thiếu đi sự truyền cảm thì khó có thể đọng lại và gây ấn tượng với người nghe. Sự chân thành xuất phát từ bản thân người nói sẽ dần dần tạo nên âm sắc cũng như sự truyền cảm. Để truyền đạt tốt nhất thông tin thì khi nói, chúng ta cũng nên thể hiện biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể một cách linh hoạt. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến giọng nói của chúng ta. Người có giọng nói hay sẽ tự tạo hấp dẫn cho chính bản thân mình và khiến người nghe yêu quý và ngược lại.
Chăm chỉ luyện tập các phương pháp trên sẽ mang lại hiệu quả nhất định cho giọng nói của bạn tự tin hơn rất nhiều. Một giọng nói hay, sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt hơn cho bạn cũng như giúp bạn truyền tải được hết những tư duy, cảm xúc chân thành, mang lại sự tin tưởng cho người nghe.
Hiện tại cũng có rất nhiều khóa học để cải thiện giọng nói truyền cảm và hấp dẫn hơn, đừng ngần ngại mà hãy đầu tư cho nó nhé! Đây hoàn toàn là một khoản đầu tư đúng đắn nếu bạn có ý định cải thiện giọng nói để hướng đến các lĩnh vực như Phát thanh đấy!
Ánh Ngọc và Gia Hân