Bố tôi mất vì bệnh ung thư khi ông mới 45 tuổi, năm đó tôi chỉ vừa mới bước vào năm đầu tiên của Đại học. Đã 5 năm kể từ khi ông mất, tôi không thể tưởng tượng nổi bằng cách nào mà tôi có thể vượt qua được thời gian đó. Quả thật là một đoạn đường khó khăn kể từ khi bố tôi ra đi.
Tôi đã đau đớn vô cùng, mặc dù cố gắng đè nén nỗi đau xuống và tỏ ra mạnh mẽ, nhưng tôi cũng không thể kìm nổi lòng mình và rồi tôi đã khóc, khóc và chỉ khóc mà thôi. Cuộc sống tôi như một mớ hỗn độn nhưng nhờ đó tôi cũng nhận ra được vài điểm quan trọng để hiểu về nỗi buồn đau và tìm mọi cách để vượt qua nó ở những tuần đầu tiên, cũng như nhiều năm tháng sau đó…
“Buồn đau chỉ là một quá trình, không phải mãi mãi như vậy” – Anne Grant đã nói.
Nỗi buồn cũng giống như một mê cung và tự thân nó sẽ tỏa ra ánh sáng kì diệu dẫn chúng ta tìm thấy lối ra. Khi bạn thấy mình lạc vào cuộc hành trình này, điều đầu tiên hãy tìm cách để bản thân mình thấy dễ chịu hơn. Đừng đào sâu nỗi đau hay so sánh chuyện mình với chuyện người khác, cũng đừng khuấy động cảm xúc của mình. Hãy cho phép bản thân được tự cảm nhận, nỗi buồn cũng có giá trị riêng của nó mà.
“Nỗi buồn cũng giống như tàu lượn siêu tốc, nó lên rồi xuống. Đôi khi cảm xúc chi phối tất cả” – Brent Sexton.
Đó sẽ là những ngày bạn không muốn làm gì cả, nếu vậy bạn hãy cho phép bản thân được lười biếng một chút, đừng ép mình phải bật dậy khỏi giường nếu bạn hoàn toàn không muốn. Điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân là trở thành đồng minh của chính mình. Tự ủng hộ bản thân chấp nhận nỗi đau để lấy lại cân bằng, đừng để cảm giác có lỗi bám víu bạn.
“Nỗi đau sâu thẳm đôi khi cũng giống như những điểm nối trên bản đồ thời gian. Khi bạn đang đứng trong khu rừng của những nỗi thống khổ, bạn không thể tưởng tượng là mình có thể tìm thấy một nơi tốt hơn. Nhưng nếu bạn quả quyết rằng không thể thay đổi gì hơn thì hãy bước đi, đôi khi điều đó sẽ mang lại hi vọng” – Elizabeth Gilbert.
Một trong những sự hỗ trợ tuyệt vời nhất khi tôi mất đi người bố đáng kính là có những người bạn ở bên cạnh mình. Họ cũng có hoàn cảnh tương tự như tôi – mồ côi cha hoặc mẹ. Như bạn biết, bố tôi ra đi trong những năm tôi còn học Đại học – khoảng thời gian mà hầu hết bạn cùng lứa vẫn đang vô tư lắm. Do đó, để tìm được người đồng cảm với thế giới tăm tối mà tôi đang trải qua là điều tôi cần nhất lúc này. May mắn là tôi tìm thấy những người có hoàn cảnh giống mình, họ có thể trò chuyện và chia sẻ với nỗi đau của tôi một cách tâm lí nhất.
“Nhưng vẫn có một vài điều khó chịu bên cạnh chuyện đau buồn, thậm chí nhiều người có ý tốt muốn chia sẻ với chúng ta nhưng không phải ai cũng biết cách. Đôi khi cảm giác một mình vẫn tốt hơn nghe những lời sáo rỗng” – MeghanO’Rourke.
Hầu hết chúng ta – những người đã từng mất đi người thân đều nhất thời không chấp nhận được nỗi đau đó vì quá bất ngờ. Trong khoảng thời gian đầu, sẽ có nhiều người quan tâm, đồng cảm chia sẻ, bàn tán xôn xao và không phải lời nào cũng xuất phát từ sự thật lòng. Hãy để ngoài tai những lời khó nghe, những bình luận ác ý, chỉ giữ lại những lời chia sẻ chân thành từ những người đồng cảnh ngộ.
“Đau buồn và thương tiếc thường đi kèm với nhau! Khi chúng ta mất đi người thân, những gì còn ở lại luôn đầy ắp yêu thương và kỉ niệm”– Mike Mills.
Với nhiều người, sinh nhật và những ngày lễ mà không có người thân bên cạnh quả thật là nỗi đau khôn xiết. Với tôi, khoảnh khắc mà tôi cảm nhận mình không thể chịu đựng nổi không phải là Giáng sinh hay sinh nhật tôi mà là mỗi ngày trôi qua đều không có bố bên cạnh.
Nỗi đau tột cùng có thể khiến bạn cảm thấy xót xa khi nó cứ dai dẳng đeo bám và bắt bạn phải nhìn thấy nó. Cách duy nhất thoát khỏi là hãy mạnh mẽ bước qua phía bên kia nỗi đau. Một ngày nào đó khi nhìn lại, bạn sẽ thấy bình yên hơn, những giọt nước mắt đã rơi cũng không hề lãng phí, chỉ là cho phép chúng ta mạnh mẽ hơn để trưởng thành. Khóc cũng tốt mà.
Có những điều mất đi rồi sẽ không tìm lại được, chúng ta không thể sống hoài với nỗi đau. Đừng sợ phải nuối tiếc vì mất đi người thân, bởi đó là quy luật của cuộc đời. Hãy dành thời gian cùng những người trong gia đình ngồi xuống và nhắc về họ, ôn lại kỉ niệm mà chúng ta đã có. Những ký ức này sẽ trở nên quí giá hơn bao giờ hết và sẽ theo bạn mãi về sau. Nó sẽ giúp bạn vững tâm hơn. Dĩ nhiên, không có gì tốt hơn là người ấy vẫn còn bên cạnh bạn nhưng sẽ còn tốt hơn nữa nếu chúng ta có nhiều kỉ niệm về họ để cất giữ trong tim. Một ngày nào đó, bạn sẽ thôi khóc, những kí ức đó có thể mang đến nụ cười trên môi mỗi khi bạn nghĩ về họ.
Sự mất mát khi người thân yêu rời bỏ thế giới này cũng giống như một hình xăm trên trái tim của bạn. Vĩnh viễn. Mãi mãi. Khi thời gian trôi qua cùng với nỗi buồn và nước mắt, trái tim của bạn sẽ tự nhiên được hàn gắn và chữa lành.
Tôi đã học được cách sống mà không có bố bên cạnh. Nỗi đau mất mát đó không còn là cú shock bất ngờ nữa. Khi tôi nghĩ về bố, cuối cùng đã có thể mỉm cười nhẹ nhàng, nước mắt giờ đây đã không còn là gánh nặng trong tâm hồn, dẫu có khóc cũng tràn đầy tình yêu và niềm vui từ những kỉ niệm. Bình yên đã về trong trái tim tôi – nơi mà nỗi đau luôn thống trị từ khi ông qua đời.
Tôi sẽ không bao giờ quên bố – chắc chắn rồi. Trái tim tôi sẽ luôn luôn và mãi mãi có một vết sẹo mà nếu ấn vào, tôi vẫn sẽ cảm thấy đau nhói. Chỉ tiếc rằng ông ấy sẽ không có cơ hội được gặp cháu của mình và những điều tốt đẹp ông cũng không thể dạy cho nó như ông đã từng dạy tôi: hát bảng chữ cái ngược hoặc những trò ngớ ngẩn khác.
Sau cùng, không có nỗi đau nào tồn tại vĩnh viễn, nên hãy cho phép chúng đi ngang đời bạn như chuyện thường tình thế gian. Hãy cười thật vui vẻ, khóc thật to, yêu thương thật sâu đậm bởi mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi.
Theo bestie.vn