Hiện nay diễn biến tình hình Covid-19 rất phức tạp. Nhằm tránh tình trạng quá tải người mắc COVID-19 (F0) tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho F0 mau hồi phục sức khỏe. Bộ Y tế đã triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà.

Trường hợp người nhiễm CoVid-19 nào được cách ly tại nhà?
Vấn đề cách ly F0 tại nhà sau thời gian nằm viện rút ngắn được Bộ Y tế đưa ra dựa trên các căn cứ thực tiễn, khoa học và trong đó tiêu chí tối cần thiết là đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Sẽ có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trường hợp 1: F0 sau 10 ngày được thu dung điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà theo quy định.
Trường hợp 2: Với những người dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30) cũng có thể đưa về nhà để theo dõi, điều trị tại nhà vì những trường hợp này khả năng lây nhiễm ra những người xung quanh là rất thấp, cực kì thấp.
Cách chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà
Tự chăm sóc bản thân:
- Người bệnh cần nghỉ ngơi trong phòng riêng, thông thoáng khí hoặc đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác.
- Uống nhiều nước để cơ thể không bị mất nước.
- Đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng: Sử dụng các thực phẩm cao năng lượng và giàu dưỡng chất. Năng lượng nên đạt 80%-100% nhưng không quá 110% nhu cầu.
- Luôn đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác.
- Dùng paracetamol: sốt, đau mỏi cơ, đau đầu. Đồng thời, có thể chườm mát, lau người bằng nước ấm để hạ sốt
- Theo dõi nồng độ oxy theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Không được tự dùng thuốc khi không có chỉ định của nhân viên y tế ngoại trừ paracetamol dùng khi bị sốt/đau mỏi cơ/đau đầu.
- Tập luyện: Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ, người bệnh có thể cách ly điều trị tại nhà, duy trì nghỉ ngơi, thư giãn. Người bệnh cũng cần vận động nhẹ nhàng, tránh nằm một chỗ quá lâu, đặc biệt là người già.
- Nếu bạn thấy khó thở, không thể ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau ngực, hoặc hoa mắt, chóng mặt, lờ đờ hãy gọi ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ hoặc đường dây nóng 19009095.
Cách bảo vệ những người sống cùng:
- Luôn giữ khoảng cách với người khác, ở trong phòng riêng (nếu có thể), thông thoáng khí. Nếu không có phòng riêng phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
- Người bệnh và tất cả mọi người luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
- Không sử dụng chung vật dụng cá nhân: Các vật dụng cá nhân được khuyến cáo không nên dùng chung là lược chải đầu, chén, đĩa, dụng cụ trang điểm, dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, khăn, nón mũ, tai nghe… Nên khử khuẩn tất cả các vật dụng cá nhân sau khi đã sử dụng.
- Vệ sinh, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc: Nhiều nghiên cứu cho thấy, virus Sars-Cov-2 có thể tồn tại trên bề mặt tối đa lên đến 16 giờ, do đó cần vệ sinh khử khuẩn tất cả các bề mặt, đặc biệt là vật tiếp xúc như tay nắm cửa, công tắc điện, mặt bàn, ghế,…
- Rửa tay đúng cách: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây một lần, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi.
- Để riêng rác thải vào thùng trong rác có nắp đậy và loại bỏ rác thải riêng.
- Mở cửa sổ để phòng luôn thông thoáng.
Trong trường hợp bạn được bác sỹ khuyên dùng máy đo nồng độ Oxy (SpO2):
Hãy đảm bảo bạn biết cách sử dụng máy đo đúng cách: nếu không biết cách sử dụng phải hỏi ngay nhân viên y tế để được hướng dẫn.
Hãy dùng máy để kiểm tra nồng độ oxy 3 lần một ngày hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Lưu ý: Nồng độ Oxy (SpO2) là rất quan trọng. Nếu nồng độ oxy của bệnh nhân bằng hoặc ít hơn 94%. Hãy lập tức gọi ngay cho nhân viên y tế hoặc tìm kiếm chăm sóc y tế và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nên thay đổi tư thế nằm trên giường nằm sấp, nằm nghiêng, và ngồi thẳng lưng (mỗi lần khoảng 2 giờ).
Thời gian điều trị Covid trong bao lâu?
Người trưởng thành, người khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh mãn tính nếu mắc Covid-19 ở thể nhẹ vẫn phải mất vài tuần để phục hồi sức khỏe.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), 1% bệnh nhân được báo cáo ở độ tuổi dưới 35 vẫn chưa hồi phục sức khỏe hoàn toàn sau 21 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Mặt khác, 35% bệnh nhân cho biết họ chưa thể phục hồi sức khỏe từ 2-3 tuần, các triệu chứng như ho, mệt mỏi và khó thở có thể kéo dài vài tuần sau khi nhiễm virus.
Quá trình phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 có thể rất lâu, ngay cả với người lớn khỏe mạnh, người không có vấn đề bệnh lý. Đây là hồi chuông, cảnh báo cộng đồng cần nâng cao cảnh giác với Covid-19, nhất là những người không cho rằng Covid-19 là một bệnh lý nghiêm trọng.
Nguồn tham khảo: World Health Organization Viet Nam – Tổ chức Y tế Thế giới Việt Nam.
Ngọc Khuyến.