GenZ đang được sống trong một môi trường có cơ hội chứng tỏ bản thân nhiều hơn, cũng từ đó, những thiếu niên trẻ trong độ tuổi ấy phải thường xuyên tự đưa ra quyết định cho toàn bộ cuộc đời của mình. Nhưng đôi khi thế giới xung quanh đang chạy nhanh quá, làm bạn muốn tạm nghỉ ngơi, để cảm nhận con tim đập vì đam mê của chính mình chứ không phải đập vì đuổi kịp tốc độ người khác. Về Gap Year à? Nhà Phát thanh sẽ cùng bạn trò chuyện nhé!

Gap Year là gì?
Gap Year là khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm bạn tạm gác lại việc học hành, chuyện sách vở mà vốn dĩ bạn sẽ làm như những người đồng trang lứa. Mục đích của Gap Year không hẳn là để nghỉ ngơi hoàn toàn như chỉ phục vụ việc giải trí mà có thể đây sẽ là khoảng thời gian bạn phát triển bản thân, thực hiện những việc bạn tâm huyết nhưng chưa có trọn vẹn thời gian dành cho nó.
Gap Year còn có thể hiểu là khoảng thời gian bạn không học tập theo khung chuẩn của Bộ Giáo dục hoặc không có một công việc cụ thể. Những người chọn Gap Year thường học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3, sinh viên giữa các năm đại học hoặc những người có nhu cầu “nhảy” việc.

Họ đến với Gap Year như một cách tìm hiểu thực sự bản thân muốn gì, hoặc không thể hòa nhập kịp với xã hội. Thật ra tâm lý của mỗi cá nhân trong xã hội này là không giống nhau, không phải ai cũng có thể sống theo một “quy tắc” học tập từ trình độ này đến trình độ khác cùng một trình độ liên tục và đồng đều. Có những người sẽ rất nhanh phát triển và tìm ra bản thân, nhưng cũng có người họ cần bước chậm hơn cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn, người chậm hơn chưa hẳn là người thất bại, cũng không phải là người bị thế giới bỏ lại. Bởi vì Gap Year vốn dĩ là chững lại để bắt đầu.
Gap Year là bắt đầu…
Bạn có thời gian một năm để làm những việc nhằm phát triển và chữa lành bản thân, đó có thể là:

Học tập một môn/kỹ năng mới:
Là mục tiêu phổ biến nhất của những người Gap Year. Để bản thân có thể hoàn thiện hơn, trang bị một vũ khí về tri thức là điều kiện quan trọng giúp bản thân bạn phát triển và đồng hành với sự phát triển của thời đại. Chẳng hạn như học ngoại ngữ, học thêm một vài bộ môn rèn luyện sức khoẻ, kỹ năng mềm cần thiết trong học tập và công việc như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích logic, phản biện, kỹ năng giao tiếp,… Đây cũng là việc mà những người Gap Year dành thời gian để chuẩn bị cho việc Du học.
Đến vùng đất mới và chữa lành bản thân:
Thế giới phát triển như vũ bão, xã hội đòi hỏi trình độ mỗi cá nhân ngày càng cao, đã vô tình tạo ra áp lực rất lớn cho những người trẻ tuổi. Trái tim không đủ khoẻ để có thể tiếp tục đi cùng với sự phát triển đó, thế nên họ chọn Gap Year để healing. Một vùng đất mới, một không gian mới luôn đem đến nguồn cảm hứng và năng lượng dồi dào để làm mới bản thân, kích thích chỉ số hạnh phúc và giúp bạn ngày càng sáng tạo. Du lịch hoặc sống thử tại một vùng đất và quốc gia khác là việc vô cùng có giá trị cho hành trang sống trong thời gia Gap Year, đặc biệt đối với những người làm nghệ thuật.

Trải nghiệm công việc mới:
Trải nghiệm không phải làm việc, bởi vì mục đích chính của trải nghiệm không phải để kiếm tiền mà để khám phá thế giới cũng như chính bản thân mình, đây là việc rất có ý nghĩa với những người Gap Year trong độ tuổi trưởng thành. Có lẽ công việc bạn theo đuổi trước đó không còn làm cho bạn hứng thú, thì đây sẽ là cơ hội tốt để bạn tìm ra lĩnh vực hoặc chuyên ngành mà bản thân có đam mê. Cũng là một cơ hội tốt để những bạn trẻ lọc lại chuyên ngành phù hợp với mình trong tương lai.

Cho cuộc đời không chỉ cho mình:
Thực chất việc cho đi chính là các công tác thiện nguyện, bạn dành một năm để làm một tình nguyện viên, đến các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, gặp gỡ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc dạy tình nguyện cho những đứa trẻ. Khi bạn nhìn ra hạnh phúc của người khốn khổ, bạn đặt lên bàn cân với mục đích sống của chính mình, có thể bạn sẽ tìm ra hạnh phúc thực sự bạn muốn là gì, Gap Year cho bạn chậm lại để cảm hơn.
Dành thời gian cho gia đình và người yêu thương:
Thế giới vội vàng, như trong những câu văn câu thơ trong suốt những năm tháng học tập đã đề ra cho chúng ta những câu hỏi hạnh phúc ở đâu? bạn đã quên những gì?. Gap Year cũng là lúc bạn có thể tim ra câu trả lời cho đề bài mà cuộc đời giao cho bạn.
Mục đích của Gap Year luôn hướng con người đến những điều tốt đẹp, một cá nhân hoàn thiện hơn về tri thức, sức khoẻ và cả tâm hồn. Sau khi Gap Year bạn sẽ tìm ra con đường mà mình muốn đi, một khởi đầu mới cho tương lai với tất cả những gì bạn đã thu thập được trong một năm dừng lại.
Đôi khi Gap Year sẽ làm ta chững lại mãi mãi…
Khi chúng ta không thực sự nghiêm túc với quỹ thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời, chúng ta sẽ chững lại mãi mãi.
Gap Year không có kế hoạch sẽ làm bạn lãng phí thời gian cho những thú vui đơn thuần và vô nghĩa. Không nên khiến điều này xảy ra chỉ bằng việc đợi thời gian trôi, ngay lúc bạn dừng lại và bắt đầu Gap Year, bạn đã chắc chắn phải thực hiện ngay kế hoạch của mình, bắt đầu học tập, làm thêm, từ thiện,…
Chững lại hoàn toàn có nghĩa là bạn sẽ bị tụt lại so với những người đồng trang lứa, so với dòng phát triển của thời đại, làm một cá nhân lạc hậu và thất bại trong xã hội, bạn không học tập và thất nghiệp, không tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội.

Thực chất việc Gap Year rất khó khăn, để giữ một ý chí kiên định đòi hỏi rất nhiều yếu tố , những người Gap Year có xu hướng dễ bỏ cuộc và thường trở nên ngày càng suy sụp về mặt tâm lí do áp lực đồng trang lứa và áp lực từ xã hội. Vậy nên trước quyết định dừng lại để bắt đầu, hãy suy nghĩ thật cẩn trọng Gap Year: Nên hay không?
Nhu cầu được sống và phát triển phần lớn là để duy trì cuộc sống và trái tim nhiệt huyết của cá nhân trước, không ai khác, chúng ta chính là người nắm chuôi cuộc đời của chúng ta, hãy tỉnh táo, sống thực tế và trân trọng mọi thời gian ta có. Mỗi giây phút ta chững lại cũng sẽ là một phút giây ta bắt đầu.